Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_Lublin-Brest

Kết quả

Đài tưởng niệm các binh sĩ Xô Viết tại công viên Skaryszewski

Chiến dịch Chiến dịch Lublin-Brest là hoạt động quân sự lớn cuối cùng của Phương diện quân Byelorussia 1 trên lãnh thổ Liên Xô. Nó có hai giai đoạn và do đó cũng có hai kết quả khác nhau. Ở giai đoạn đầu, trên thế thừa thắng, quân đội Liên Xô tiếp tục truy kích quân đội Đức Quốc xã và vượt qua biên giới quốc gia (1939), bắt đầu tác chiến trên lãnh thổ Ba Lan. Về quân sự, quân đội Liên Xô tiếp tục đánh thiệt hại nặng nhiều sư đoàn Đức, trong đó có 4 sư đoàn bị bao vây và đánh tan tại Brest, nơi bắt đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của người Liên Xô. Về chính trị, ngay sau khi quân đội Liên Xô truy kích quân đội Đức Quốc xã vượt qua đường Courson, Ủy ban giải phóng dân tộc Ba Lan được thành lập. Nó có tư cách của một chính phủ đa đảng phái và có cả sự tham gia của những người không đảng phái để điều hành công việc hành chính nhà nước ở những vùng đất vừa được giải phóng. Bên cạnh đó, Quân đội nhân dân Ba Lan cũng được thành lập dựa trên cơ sở Tập đoàn quân Ba Lan 1 từ Liên Xô về và các đơn vị hoạt động bí mật trong nước của quân đội "Armia Ljudowa" thuộc các lực lượng cánh tả.

Bia tưởng niệm cuộc đổ bộ tại đầu cầu Czerniakow của Sư đoàn bộ binh Ba Lan 3 thuộc Tập đoàn quân Ba Lan 1 để giải cứu cho những người khởi nghĩa ở Warszawa từ 16 đến 23 tháng 9 năm 1944

Trong giai đoạn mở rộng của chiến dịch, quân đội Liên Xô đã bị thiệt hại nặng khi cố gắng vượt sông Wisla. Mặc dù họ đã chiếm được một số đầu cầu quan trọng nhưng không còn đủ sức mạnh để tiếp tục triển khai tấn công. Phán đoán đúng ý đồ của Bộ tư lệnh Phương diện quân Byelorussia 1, quân đội Đức Quốc xã đã điều đến khu vực phía bắc, phía nam và nội đô Warszawa nhiều binh đoàn mạnh, trong đó có 5 sư đoàn xe tăng rút từ các khu vực mặt trận chưa bị tấn công và từ trong vùng quân Đức chiếm đóng. Với các sư đoàn này, quân Đức đã phục hồi được sức mạnh của Cụm tập đoàn quân Trung tâm và tạo thành một tuyến phòng thủ cứng rắn dọc theo các con sông Wisla và Narev, phong tỏa các căn cứ đầu cầu của quân đội Liên Xô và đánh lui nhiều cuộc đột kích vượt sông Wisla của họ tại khu vực Praga-Warszawa. Chỉ trong tháng 8 năm 1944, Phương diện quân Byelorussia 1 đã có 114.400 thương vong, trong đó có 23.483 người thiệt mạng.[93] Trong các trận đánh tại khu vực Wolomin từ ngày 20 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) đã gánh chịu thiệt hại 991 người chết, 2.852 người bị thương, 442 người mất tích; thiệt hại về vũ khí gồm 155 xe tăng T-34, 48 xe tăng M4-A2, 4 xe tăng IS-2, 3 xe tăng MK-9, 18 pháo tự hành SU-85, 15 pháo tự hành SU-76, 1 pháo tự hành SU-57, 11 xe bọc thép các loại, 102 mô tô, 82 ô tô, 36 pháo chống tăng, 11 súng cối, 26 đại liên, 58 trung liên.[94]

Sau 63 ngày đêm chiến đấu, cuộc khởi nghĩa Warszawa đã kết thúc trong bi kịch bởi sự phản bội của tướng Tadeusz Bur-Komorowski. Hơn 200.000 binh lính và thường dân Ba Lan ở Warszawa bị giết. Hơn nửa triệu bị đày đi các trại tập trung ở phía tây Ba Lan và trong nước Đức. Khu Do Thái tại Warszawa bị xóa sổ. 85% nhà cửa ở Warszawa bị quân Đức phá hủy bằng bom, đạn pháo và thuốc nổ. Từ một thành phố có 1,3 triệu dân trước chiến tranh, đến ngày 17 tháng 1 năm 1945, ngày Warszawa được quân đội Liên Xô và Tập đoàn quân Ba Lan 1 giải phóng, dân số thành phố chỉ còn lại 160.000 người. Nhiều khu phố hầu như trống rỗng.[71]

Đánh giá

Về các hoạt động quân sự của Liên Xô và Đức Quốc xã

Tại giai đoạn đầu của chiến dịch, Phương diện quân Byelorussia 1 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với hai mũi tấn công theo đúng ý tưởng trước đây, tướng K. K. Rokossovsky đã hoàn thành hai mục tiêu trong một chiến dịch, giải phóng Brest. Nơi bắt đầu cuộc Chiến tranh Xô-Đức tại Byelorussia và tiến vào Lyublin, thành phố lớn đầu tiên của Ba Lan được giải phóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngay sau khi đưa quân đội Liên Xô tiến đến biên giới quốc gia (1939), ông được Xô Viết tối cao Liên Xô ra quyết định phong cấp hàm Nguyên soái Liên Xô.

Tại giai đoạn sau của chiến dịch đã phát sinh nhiều yếu tố mới phá vỡ các kế hoạch quân sự của Phương diện quân Byelorussia 1. Mặc dù các nhân viên tình báo quân sự của Liên Xô hoạt động tại London cũng như tình báo mặt trận của Phương diện quân Byelorussia 1 nắm được khả năng về một cuộc nổi dậy tại Warszawa; nhưng cũng như người Đức, người Nga hoàn toàn bất ngờ về thời điểm nổ ra cuộc nổi dậy cũng như quy mô của nó trong khi quân đội Liên Xô chỉ giới hạn nhiệm vụ đến chiều sâu tiếp cận sông Wisla và chưa sẵn sàng để tấn công Warszawa. Việc để cho Tập đoàn quân xe tăng 2 trong tình trạng đã suy yếu sau các trận đánh dài ngày mạo hiểm tấn công lên Wolomin trong khi các tập đoàn quân bộ binh ở cả cánh phải, cánh trái (các tập đoàn quân 47, 48, 65 và Tập đoàn quân Ba Lan 1) và lực lượng hậu cần, kỹ thuật của Phương diện quân Byelorussia 1 còn tụt lại phía sau là một sai lầm chiến thuật của nguyên soái K. K. Rokossovsky. Mất sức chiến đấu sau các trận đánh phòng ngự ngoài dự kiến, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) đã bị thiệt hại nặng và không thể tiếp cận sông Wisla tại khu vực Warshawa trong tháng 8 năm 1944. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến các kế hoạch tấn công tiếp theo của Phương diện quân Byelorussia 1.[95]

Quân đội Đức Quốc xã đã có một sách lược hợp lý để vừa đối phó với cuộc tấn công của quân đội Liên Xô, vừa đối phó với cuộc khởi nghĩa tại Warszawa. Trong đó, quân đội gồm các sư đoàn xe tăng đủ sức chiến đấu được đưa qua sông Wisla để chặn đà tấn công của quân đội Liên Xô từ khi họ còn cách sông Wisla vài chục km. Việc đàn áp cuộc khởi nghĩa Warshawa được giao cho lực lượng SS và các lực lượng cảnh sát, hiến binh và quân lê dương. Mục tiêu chính của tướng Walter Model và Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân trung tâm (Đức) không phải là mở trận đánh tiêu diệt lớn đối quân đội Liên Xô ở phía đông sông Wisla mà là giành lấy thời gian để phá các cây cầu, củng cố phòng tuyến trên sông Wisla, đồng thời phong tỏa hai đầu cầu của quân đội Liên Xô tại các khu vực Magnuszew - Puławy ở phía nam Warshawa và Pułtusk - Serock ở phía Bắn Warshawa và họ đã đạt được mục tiêu đó. Mũi nhọn đột kích chủ yếu của Phương diện quân Byelorussyia 1 là Tập đoàn quân xe tăng 2 bị thiệt hại nặng, các tập đoàn quân cận vệ 8 và 65 không thể mạo hiểm triển khai tấn công từ hai đầu cầu Bắc và Nam Warshawa bởi phía trước họ là các binh đoàn xe tăng rất mạnh của quân Đức. Ngoài ra, còn phải kể đến lợi thế tự nhiên của quân Đức là tuyến sông Wisla, một trong các con sông lớn ở Đông Âu. Cũng như tại tuyến sông Dniepr cách đó gần một năm, quân đội Liên Xô đã không thể vượt sông Wisla trong hành tiến và buộc phải mất thêm ba tháng để chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc tấn công vượt sông trong Chiến dịch Wisla-Oder sau này.[96]

Về cuộc khởi nghĩa Warszawa

Nếu như các hoạt động quân sự của Quân đội Liên Xô và Quân đội Đức Quốc xã được xem xét một cách bình thường theo tiến trình sụp đổ của quân đội Đức Quốc xã thì các diễn biến trong hoạt động của quân đội Liên Xô cũng như Anh và Hoa Kỳ xung quanh cuộc khởi nghĩa Warszawa đã gây nhiều tranh cãi liên miên trong giới sử gia, giới chính trị và cả giới báo chí tuyên truyền của các bên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Một luồng ý kiến cho rằng phía Liên Xô không muốn giúp đỡ cuộc khởi nghĩa của Armia Krajowa vì các thành viên chỉ huy lực lượng này ủng hộ chính phủ lưu vong Ba Lan và có nhiều chính sách đi ngược lại quyền lợi của Liên Xô. Việc Armia Krajowa suy yếu sẽ có lợi cho vị thế chính trị của Ủy ban Giải phóng Dân tộc Ba Lan, một tổ chức yêu nước Ba Lan do Liên Xô ủng hộ và thành lập.[97] Steven Zaloga đã nhận xét rằng thái độ bất bình của các nước Phương Tây về sự kiện tại Warszawa là một mầm mống dẫn đến cuộc Chiến tranh Lạnh[61]. Nhà phân tích chiến lược Hoa Kỳ A. J. P. Taylor cũng có chung nhận xét này.[98]

Một số tác giả khác, trong đó có David Glantz, đại tá, nhà sử học quân sự Hoa Kỳ và Adam Borkevich, nguyên đại tá trong quân đội Ljudowa đã chỉ ra rằng, xét về mặt thuần túy quân sự, việc tổ chức tấn công vào Warszawa trong thời gian này là lợi bất cập hại. Các cuộc phản kích quyết liệt của quân Đức đủ để ngăn chặn đà tấn công của quân đội Liên Xô ít nhất là cho đến giữa tháng 9 và vì vậy tổ chức tấn công vào Warszawa sẽ đi kèm với các hoạt động chuyển quân quy mô lớn và phức tạp từ Magnuszew, sông Bug, sông Narew tới Warszawa cũng như những thiệt hại to lớn trong việc tấn công thành phố này, trong khi giá trị về chiến thuật, chiến lược của Warszawa tỏ ra không đáng kể cho các cuộc tấn công về sau. Bản thân Glantz đã nhìn nhận rằng, trên thực tế quân đội Liên Xô cũng có thành ý trong việc giúp đỡ các hoạt động kháng chiến của lực lượng du kích Ba Lan.[8]

Nhà sử học Anh, Huân tước Liddel Basil Henry Hart nhận xét:

Vào tháng 8 năm 1944, sức kháng cự của quân Đức đã tăng lên đáng kể. Và các hoạt động tấn công của quân Nga tại Warszawa đã không thể thực hiện được đến tháng 1 năm sau. Đêm 1 tháng 8, cuộc khởi nghĩa Warszawa bắt đầu. Lực lượng kháng chiến Ba Lan đã chiến đấu một cách khó khăn. Nhưng cuối cùng, bị chia cắt thành ba nhóm nhỏ và không nhận được cuộc tấn công trợ giúp của quân Nga từ bên bờ đối diện của sông Wisla. Một cách khá tự nhiên, quân nổi dậy tin rằng người Nga cố kiềm chế và không can thiệp. Khó mà xác định ai đúng ai sai. Bởi khi đó, quân Nga đã dừng tấn công không chỉ ở Warszawa mà còn ở nhiều khu vực mặt trận khác. Thực tế đó cho thấy sự thận trọng về quân sự quan trọng hơn những cân nhắc về chính trị.Trong khu vực Warszawa, quân Đức đã đưa vào đây thêm các sư đoàn xe tăng SS, hai trong số đó rút từ phía nam Nga lên, một sư đoàn được đưa từ Ý sang. Tổ chức một cuộc tấn công từ phía bắc, họ dã đẩy lùi quân Nga khỏi bờ sông Wisla. Quân Nga nỗ lực giành lấy các đầu cầu ở phía bắc và phía nam. Cuối tuần đầu tháng 8, quân Nga buộc phải dừng tấn công, trừ khu vực Carpath và Litva nhưng tốc độ và cường độ tấn công ở những nơi này cũng giảm hẳn. Trong lúc này, các lực lượng cơ giới và quân dự bị cũng không đủ sức để đột phá phòng tuyến khi quân Đức đã rút về những khu vực có địa hình thuận lợi để phòng thủ. Sau khi vượt qua 450 dặm trong 5 tuần (tốc độ tấn công nhanh nhất mà họ có thể đạt được), những khó khăn do tuyến giao thông tiếp vận kéo dài bắt đầu xuất hiện và việc vạch kế hoạch chiến lược tiếp theo chưa thực hiện xong nên mặc dù tiếp cận được sông Wisla, người Nga vẫn phải dừng lại đến gần 6 tháng sau, họ mới tổ chức được một cú đánh mạnh mẽ mới.
— Sir Liddel Basil Henry Hart.[96]

Thượng tướng Đức Quốc xã Kurt Von Tippelskirch xác nhận:

Khi quân đội của Rokossovsky tiến về thủ đô Ba Lan một cách dường như không thể ngăn cản được, phong trào hoạt động bí mật ở Ba Lan cảm thấy rằng mục tiêu của cuộc nổi loạn có thể bị phá vỡ. Tất nhiên, có cả sự kích động bởi người Anh. Sau đó là lời kêu gọi của những người hoạt động bí mật được truyền đến dân chúng đúng vào thời điểm Roma và Paris vừa được giải phóng. Thời điểm đó cũng đang đến gần với Warszawa. Cuộc nổi loạn nổ ra vào ngày 1 tháng 8, khi sức mạnh tấn công của người Nga đã cạn kiệt và họ phải từ bỏ ý định đánh chiếm thủ đô Ba Lan trong hành tiến. Do đó, những người nổi loạn Ba Lan chỉ còn có thể dựa vào lực lượng của chính họ. Thành công ban đầu của họ rất đáng ngạc nhiên: hầu hết các cơ quan quân sự và dân sự Đức ở thành phố đều bị cắt đứt lên lạc với bên ngoài. Phiến quân chiếm được nhà ga, một kho súng cối, súng phòng không 20 mm và một số vũ khí chống tăng. Các đường phố bị các chướng ngại vật ngăn chặn. Các cây cầu đều bị phá. Khi đó, quân Đức ở Warszawa đã có một lực lượng tập trung đủ để ít nhất cũng giúp cho cho họ lấy lại các nhà ga, các trại lính và ngăn chặn quân nổi loạn giành quyền kiểm soát thành phố.
— Kurt Von Tippelskirch[99]

Nhà phân tích chiến lược Hoa Kỳ A. J. P. Taylor cho rằng:

Người Nga đã tấn công trên khoảng cách 450 dặm trong hơn một tháng. Việc cung cấp không theo kịp do các tuyến đường sắt bị phá loại nghiêm trọng. Ngày 29 tháng 7, 3 sư đoàn xe tăng và 2 sư đoàn cơ giới Đức dã chặn đứng cuộc tấn công đó. Đây không phải là điều quá ngạc nhiên vì thành phố là một chướng ngại vật khủng khiếp, nó là mồ chôn các sư đoàn xe tăng. Người Đức đã học được điều đó ở Leningrad và Stalingrad và sau này, việc đó cũng diễn ra với người Nga tại Budapest và Berlin. Sự chậm trễ không tránh khỏi đó đã gây hậu quả bi thảm. Những người Ba Lan lưu vong ở London đã lên kế hoạch giải phóng Warszawa trước khi người Nga tới, giống như De Gaulle đã làm ở Paris đối với người Mỹ. Bur-Komorowski, người chỉ huy của quân đội bí mật nói rằng họ sẽ "hành động độc lập và với tư cách là chủ sở hữu, họ sẽ gặp các thành viên của quân đội Xô viết trong thành phố."Cuộc nổi dậy Warszawa và những hậu quả khủng khiếp của nó đã gây chấn động thế giới. 55.000 người Ba Lan bị giết và 350.000 người bị cưỡng bức sang nước Đức. Dư luận cho rằng Stalin dường như đã không đếm xỉa đến số phận của cư dân thành phố và bỏ mặc họ cho bọn tội phạm giết người. Điều đó không đúng với sự thật. Bất kể có hay không có cuộc khởi nghĩa, người Nga sẽ phải dừng lại trên sông Wisla. Và việc cung cấp vũ khí bằng đường không từ phương Tây sẽ không làm thay đổi được bất cứ điều gì. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì rằng Stalin đã không hối tiếc về điều đã xảy ra vì cuộc nổi dậy này chống lại người Nga hơn là chống lại quân Đức. Người Nga, bằng sức lực của mình đã đánh bại quân Đức, còn người Ba Lan thì lại cố gắng tận dụng lợi thế của điều đó để hành động thù địch với người Nga. Đó là một trò chơi với mạng sống của con người, một trò chơi không cao thượng.Ngay cả trong trường hợp cuộc nổi dậy thành công thì nó cũng không thể thay đổi bất cứ điều gì. Người Nga có thể buộc quân khởi nghĩa Ba Lan phải quy phục, giống như người Anh và người Mỹ từng gạt bỏ những người kháng chiến Ý. Và họ sẽ làm như vậy đối với De Gaulle nếu như ông ta bảo vệ nền độc lập của nước Pháp một cách thái quá. Từ tháng 9 năm 1939, nước Ba Lan độc lập đã không còn tồn tại. Vấn đề chỉ là người sở hữu, hoặc là Đức, hoặc là Nga. Nhưng bây giờ, người Nga vẫn đang trên con đường chiến thắng, còn người Ba Lan thì không. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Ba Lan đã góp phần tạo ra nguyên cớ cho cuộc Chiến tranh lạnh.
— A. J. P. Taylor.[98]

Nhà sử học Anh Richard Overy trong cuốn "Cuộc chiến của nước Nga" (London, 1998) nhận định:

Cuộc nổi dậy ở Warszawa không phải là một động thái để giúp quân đội Hồng quân tiến thẳng về Berlin. Bởi xét về phương diện quân sự thì trong thời điểm tháng 8 năm đó, thành phố Warszawa nằm trên hướng tấn công của Tập đoàn quân Ba Lan 1 do tướng Zygmunt Berling chỉ huy. Tháng 9 năm đó, Tập đoàn quân đã tấn công vào Warshawa nhưng đã vấp phải sự phòng thủ cứng rắn của quân Đức và đã phải rút lui. Do vậy, không nghi ngờ gì nữa, những người Ba Lan ở Warszawa đã phạm phải một sai lầm chết người
— Richard Overy.[100]

Cuối những năm 1980, các tài liệu được giải mật của Bộ Quốc phòng Anh đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Moskva không hề được báo trước về về cuộc khởi nghĩa Warszawa. Trong báo cáo của Ủy ban tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội Anh đề ngày 31 tháng 7, một ngày trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa, có đoạn viết:

Thật không thể chấp nhận được cả về chính trị lẫn quân sự khi tiến hành bất cứ một hành động nào kiểu như vậy mà lại không có sự nhất trí và phối hợp của người Nga
— [101]

Ảnh hưởng

Khu phức hợp tưởng niệm các binh sĩ Liên Xô tại Warszawa

Chiến dịch Lublin-Brest là chiến dịch cuối cùng trong chuỗi chiến dịch giải phóng Byelorussia mang mật danh "Bagration". Hoạt động quân sự này đã có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị của các nước Đông Âu mà trực tiếp là Ba Lan; ảnh hưởng đến một số quan hệ của các nước đồng minh chống phát xít, chủ yếu là quan hệ Anh, Mỹ và Liên Xô; ảnh hưởng đến nội trị của nước Đức và các nước còn do quân đội Đức Quốc xã kiểm soát.

Đối với Ba Lan, cuộc tấn công của quân đội Liên Xô đã tạo cho các lực lượng cánh tả Ba Lan một chỗ dựa vững chắc về quân sự và chính trị để làm đối trọng với các lực lượng cánh hữu có Chính phủ lưu vong ở London. Cách xử lý vấn đề Ba Lan của Moskva khác với cách xử lý của London. Ít nhất thì về hình thức chính trị, Moskva giữ đúng nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết. Liên Xô không cho phép thành lập một chính phủ cánh tả Ba Lan ở Moskva nhưng họ lại giúp những người cánh tả Ba Lan ở Liên Xô lập ra quân đội của mình, giúp phát triển và trang bị cho quân đội này tương đương với một tập đoàn quân của Liên Xô. Trong chỉ huy chiến đấu, Liên Xô tuân thủ nguyên tắc phối hợp tác chiến như phối hợp với các đồng minh chống phát xít đã được các tổng tư lệnh quân đội của ba nước lớn Anh, Mỹ và Liên Xô thỏa thuận. Tuy nhiên, cho đến gần 70 năm sau, những phản ứng của Liên Xô đối với cuộc khởi nghĩa Warszawa vẫn bị đánh giá là tiêu cực, thậm chí là bỏ mặc những người khởi nghĩa; trong khi trên thực tế, tình hình quân sự và tương quan lực lượng Xô-Đức trên hướng này diễn biến bất lợi cho quân đội Liên Xô khiến cho Phương diện quân Byelorussia 1 không thể có những hành động tích cực hơn.

Đối với Phần Lan, mặc dù chỉ có ảnh hưởng gián tiếp nhưng kết quả chiến dịch Lublin-Brest nói riêng và Chiến dịch Bagration nói chung cùng với hai đòn tấn công của quân đội Liên Xô tại VyborgPetrozavodsk đã buộc Phần Lan phải xem xét lại chính sách đối với Liên Xô. Ngày 15 tháng 9, Chính phủ Phần Lan tuyên bố chấm dứt liên minh với nước Đức Quốc xã và rút khỏi cuộc chiến với Liên Xô.

Đối với nước Đức Quốc xã thì Đông Phổ, phần lãnh thổ phía đông của nó đã bị uy hiếp trực tiếp. Mặc dù Bổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã đã điều đến tuyến sông Wisla và sông Narev nhiều sư đoàn mới nhưng quân đội Đức Quốc xã chỉ ổn định được tuyến phòng ngự đến cuối năm 1944. Đầu năm 1945, cả ba phương diện quân Byelorussia và Phương diện quân Pribaltic 1 của quân đội Liên Xô tiếp tục tấn công, đẩy lùi quân Đức đến tuyến sông Oder-Nice, tuyến phòng thủ cuối cùng trước Berlin.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Lublin-Brest http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://armialudowa.com/ http://www.axishistory.com/index.php?id=6474 http://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=136 http://sti.clemson.edu/index.php?option=com_docman... http://leav-www.army.mil/fmso/documents/failures.h...